Hầu hết tất cả các nước phát triển và một số nước đang phát triển đã và đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Các công ty phụ trợ về cảm biến, khung xe, máy tính công nghiệp cấu hình cao… cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tại một số nước, luật liên quan đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên tại Việt Nam đang tồn tại rất nhiều rào cản để có thể đưa xe tự hành hoạt động trên đường phố.
Năm 2014 Việt Nam đã tham gia kí công ước Vienna 1968. Công ước này nêu rõ hệ thống lái chỉ cho phép can thiệp điều chỉnh lái chứ không cho phép lái tự động ở tốc độ trên 10 km/h. Nói cách khác, khi đã tham gia vào công ước này, các nước sẽ không được phép vận hành xe tự lái trên đường phố. Hiện có 78 quốc gia đã tham gia kí công ước này, tuy nhiên có hai nước rất lớn là Mỹ và Trung Quốc lại không tham gia.
Ngoài ra Công ước Geneva cũng quy định người lái xe phải có mặt để điều khiển ô tô và người lái xe phải luôn điều khiển phương tiện. Người lái xe không được phép buông tay ra khỏi vô lăng mặc dù điều kiện có lý tưởng để xe có thể tự lái hay không. Và tiếp tục ở Công ước này, Mỹ và Trung Quốc lại không tham gia, do đó xe tự lái sẽ được phép vận hành trên đường phố hai nước này mà ít có rào cản nào khác ngoài pháp luật quy định trong nước.
Do đó việc sử dụng xe tự hành tại Việt Nam là chưa khả thi, hơn nữa Việt Nam chưa có bản sửa đổi luật nào được thực thi đối với các tính năng tự hành. Các xe có tính năng tự hành ví dụ như xe Mercedes-Benz (đỗ tự động) phải bị ẩn đi.
Nếu không bàn về luật pháp, cấp độ xe tự hành cao nhất có thể cũng chỉ mới là cấp độ 2 vì cơ sở hạ tầng không cho phép sử dụng ở cấp độ 3. Ở cấp độ 3, chỉ trong một số môi trường lý tưởng người lái xe mới được phép buông tay ra khỏi vô lăng. Trên thực tế, để áp dụng xe tự hành cấp độ 2 tại Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định nào cấm việc sử dụng xe tự hành trong các nội khu như khi resort, khu công nghiệp, khuôn viên trường học… nhưng vẫn phải đảm bảo độ an toàn.
Các luật về xe tự hành đã được thông qua tại các nước khác
Năm 2019, các quy định về vận hành xe tự lái đã được thông qua bởi Nội các Nhật Bản cho phép xe tự hành cấp độ 3 (vẫn cần có người lái) tham gia vận hành trên đường. Tuy nhiên có một điều kiện là các xe tự hành cần phải được gắn thiết bị ghi lại hành trình nhằm mục đích phân tích trong trường hợp có tai nạn xảy ra.
Từ năm 2011 một số bang tại Mỹ đã bắt đầu xem xét việc ban hành luật liên quan đến xe tự hành và việc sử dụng xe tự hành. Năm 2020, Mỹ cho phép triển khai các phương tiện tự hành trên đường phố công cộng để giao hàng thương mại. Tính đến hiện tại ít nhất 29 bang đã ban hành luật về xe tự hành.
Năm 2021 cũng là một năm có nhiều thay đổi về mặt luật pháp dành cho xe tự hành tại Trung Quốc vì đây là một tiền đề quan trọng để phát triển hệ thống giao thông cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân thành phố Thâm Quyến đã ban hành Dự thảo lấy ý kiến về Quy chế của Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến về Quản lý Phương tiện Thông minh và Kết nối. Dự thảo Quy định của Thâm Quyến quy định toàn bộ chuỗi phát triển ô tô tự hành từ thử nghiệm đường bộ, đăng ký tiếp cận, quản lý sử dụng, vận tải đường bộ, tai nạn giao thông, xử lý tai nạn và vi phạm và xử lý trách nhiệm pháp lý. Thâm Quyến rõ ràng đang cạnh tranh để trở thành địa điểm đầu tiên ở Trung Quốc nơi ô tô tự hành có thể được thương mại hóa.
Tại Đức, dự thảo luật dành cho xe tự lái cấp độ 4 đã được đưa ra và sẽ có thể được thông qua vào năm 2022, cho phép xe tự lái hoạt động mà không bắt buộc phải có tài xế trên xe. Nhìn chung, các nước đã có những bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lí cho xe tự hành hoạt động. Trong tương lai xe tự hành sẽ trở thành phương tiện phổ biến được ưa chuộng.
Vậy làm thế nào để xe tự hành Phenikaa-X có thể hoạt động tại Việt Nam?
Phenikaa-X hiện tại hướng đến thương mại hóa xe tự hành tại các nội khu như khu nghỉ dưỡng, sân golf, tổ hợp chung cư công viên hạng cao cấp… thay cho xe điện thông thường. Việc đưa xe tự hành vào sử dụng trong khuôn viên sẽ nâng tầm dịch vụ và thương hiệu, gây sự tò mò và tạo cảm giác thỏa mãn cho người sử dụng.